Xâm chiếm Đại Hạ (Bactria) Nguyệt_Chi

Năm 124 TCN người Nguyệt Chi dường như đã tham dự vào cuộc chiến chống lại người Parthia, trong đó vua Parthia Artabanus I đã bị thương và chết:

"Trong cuộc chiến chống lại người Tokhari, ông (Artabanus) đã bị thương vào tay và chết ngay lập tức" (Justin, Epitomes, XLII,2,2: "Bello Tochariis inlato, in bracchio vulneratus statim decedit").

Một thời gian sau năm 124 TCN, có lẽ bị rối loạn bởi sự xâm nhập của các kẻ thù từ phương bắc, và dường như bị vua Parthia, người kế nghiệp của vua Artabanus, Mithridates II đánh bại nên người Nguyệt Chi đã di chuyển xuống phía nam tới Bactria. Bactria đã bị những người Macedonia dưới sự chỉ huy của Alexandros Đại Đế xâm chiếm vào năm 330 TCN và kể từ đó vùng này đã được những người thuộc Vương quốc Seleukosvương quốc Hy Lạp-Bactria thuộc nền văn minh Hy Lạp định cư trong hai thế kỷ.

Sự kiện này được ghi chép trong các nguồn sử liệu Hy Lạp cổ điển, khi Strabo gọi họ là bộ lạc người Scythia, và giải thích rằng người Tokhari—cùng với người Assianis, Passianis và Sakaraulis—đã cùng nhau phá huỷ vương quốc Hy Lạp-Bactria trong nửa sau của thế kỷ 2 TCN:

"Phần lớn người Scythia, bắt đầu từ biển Caspi, được gọi là Dahae Scythae, và những người sống xa hơn về phía đông là người Massagetae và người Sacae; phần còn lại có tên gọi chung là người Scythia, nhưng mỗi bộ lạc riêng rẽ đều có tên riêng biệt. Tất cả, hoặc phần lớn trong số họ, là những người du cư. Những bộ lạc được biết đến nhiều nhất là những người đã lấy đi Bactria của người Hy Lạp, đó là người Asii, Pasiani, Tochari, và Sacarauli, những người đã đến đây từ quốc gia ở phía bên kia sông Jaxartes, đối diện với Sacae và Sogdian."
(Strabo, 11-8-1)

Vị vua cuối cùng của vương quốc Hy Lạp-Bactria là Heliocles I đã phải rút lui và chuyển kinh đô của mình tới thung lũng Kabul. Phần phía đông của Bactria đã bị người Pashtun xâm chiếm.

Do họ bắt đầu định cư tại Bactria vào khoảng năm 125 TCN, nên người Nguyệt Chi bắt đầu bị Hy Lạp hóa ở một mức độ nào đó, chẳng hạn việc chấp nhận các chữ cái Hy Lạp và việc sử dụng đồng tiền, được đúc theo kiểu của các vua Hy Lạp-Bactria, với các chữ viết trên đó bằng tiếng Hy Lạp. Khu vực của Bactria mà họ định cư trở thành Tokharistan, do người Nguyệt Chi được người Hy Lạp gọi là "người Tochari".

Các quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng đã rất phồn thịnh, nhiều phái bộ Trung Quốc đã được gửi đi trong suốt thế kỷ 1 TCN: "Lớn nhất trong số các đoàn sứ giả ra ngoại quốc có số lượng lên tới vài trăm người, trong khi thậm chí các nhóm nhỏ hơn cũng có trên 100 thành viên... Trong cả năm từ bất kỳ nơi nào đó cũng có từ 5 tới 6 hay tới trên 10 nhóm đã được gửi đi". (Sử Ký).

Hậu Hán Thư cũng ghi lại cuộc viếng thăm của phái đoàn người Nguyệt Chi tới kinh đô của Trung Quốc vào năm 2 TCN, những người này đã giảng dạy bằng miệng về các kinh của Phật giáo cho nhiều người Hán, điều này nêu ra giả thuyết là một số người Nguyệt Chi đã theo các niềm tin của Phật giáo từ thế kỷ 1 TCN (Baldev Kumar (1973)).

Bản chú giải của Zhang Shoujie sau này trong thế kỷ 7, trích dẫn từ Nanzhouzhi (văn bản từ thế kỷ 3, hiện đã mất) miêu tả người Quý Sương như là những người sống trong cùng một khu vực chung ở miền bắc Ấn Độ, trong các thành thị kiểu La Mã-Hy Lạp, và với nghề thủ công tinh xảo. Người Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận thuật ngữ "Quý Sương", và vẫn tiếp tục gọi họ là "người Nguyệt Chi":

"Đại Nguyệt Chi nằm ở khoảng 7 ngàn lý (2.500-3.000 km) về phía bắc Ấn Độ. Đất đai của họ nằm ở các cao độ lớn; khí hậu khô; khu vực này hoang vắng. Vua của nước này tự xưng là "con trời". Tại nước này có nhiều ngựa để cưỡi với số lượng thường là đạt tới vài trăm ngàn. Bề ngoài các thành thị và cung điện là hoàn toàn tương tự như của Đại Tần (tên gọi cổ của người Trung Quốc để chỉ đế chế La Mã và Cận Đông). Da của những người này là trắng hồng. Những người này giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Các sản phẩm địa phương, sản vật hiếm, châu báu, quần áo và màn thảm là rất tốt, và thậm chí cả Ấn Độ cũng không thể so sánh với họ".[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyệt_Chi http://www.transoxiana.com.ar/Eran/Articles/benjam... http://reference.allrefer.com/country-guide-study/... http://www.guoxue.com/discord/xwm/jnsj.htm http://muse.jhu.edu/journals/jwh/ http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?lookup=... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/h... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/h... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/n... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/weilue/... http://depts.washington.edu/uwch/silkroad/texts/hh...